Lời mở đầu

GACP là thuật ngữ viết tắt của cụm từ Tiếng Anh Good Agricultural and Collection Practices. GACP-WHO là các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), và được ban hành năm 2003. Hướng dẫn GACP-WHO gồm có hai phần, hướng dẫn quy trình về (i) nuôi trồng tốt dược liệu và (ii) thu hái dược liệu. Mỗi quy trình có nhiều công đoạn, và mỗi công đoạn lại có những tiêu chuẩn riêng cho từng loại cây thuốc, phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, điều kiện sinh thái, nguồn giống, đất trồng, các biện pháp canh tác, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hái, vận chuyển, xử lý sau thu hoạch, đóng gói, và bảo quản dược liệu trong kho. 

Quyết định 1976/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/10/2013, phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, và Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển dược liệu của các tỉnh dự án đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các vùng trồng dược liệu tập trung, tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO).

Hợp phần Quản lý Rừng Bền vững thuộc Dự án Quản lý Rừng Bền vững và Bảo tồn Đa dạng Sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, triển khai các hoạt động phát triển chuỗi giá trị dược liệu tại các tỉnh dự án để hỗ trợ các doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn và cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng phát triển vùng nguyên liệu an toàn, tuân thủ các nguyên tắc và tiêu chuẩn GACP-WHO. Qua đó, Dự án góp phần hỗ trợ nâng cao thu nhập cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, đồng thời, nhằm giảm mất rừng và suy thoái rừng, giảm phát thải các-bon, tăng hấp thụ các-bon và trữ lượng các-bon rừng.

Cuốn tài liệu “Nâng cao năng lực về Nuôi trồng và sơ chế dược liệu theo nguyên tắc, tiêu chuẩn Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu (GACP-WHO)” được sử dụng cho hoạt động đào tạo trực tiếp và trực tuyến, nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn, hộ trồng dược liệu, cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng và các cán bộ phụ trách nông lâm nghiệp, góp phần đảm bảo việc nuôi trồng, thu hái, sơ chế, chế biến và bảo quản dược liệu tốt hơn, bảo tồn loài và nguồn gen dược liệu quý hiếm, đồng thời bảo vệ môi trường nói chung. Tài liệu này cũng được đăng tải trên trang web www.duoclieuantoan.com để hỗ trợ cho hoạt động đào tạo lại và đào tạo mở rộng.